(Lăng và đền thờ bà giữa cánh đồng mênh mông gió mát, lúa thơm ngào ngạt . Bên lăng có một cái giếng nước trong xanh và rất ngọt. Giếng chưa bao giờ cạn. Những năm hạn hán cả làng ra gánh nước về dùng, mạch nước càng dâng đầy hơn, trong hơn.… Đền thờ bà rất thiêng. Vào đền cầu được ước thấy… Trước đây cây cối xanh tốt như một công viên. Do tinh thần “thay trời đổi đất”, cây bị chặt phá. Nay con cháu nhiều đời của bà muốn trả lại màu xanh như xưa. Nhưng bà chưa cho, lý do đơn giản là con cháu còn nghèo …)
Bà Nguyễn Thị Hà sinh ra và lớn lên vào khoảng giữa đời Lê Sơ (khoảng giữa thế kỷ XV) tại xã Nam Hoa Tây, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, xứ Nghệ An (nay là làng Tam Láng, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Là con gái của Quốc tử giám Giám sinh, Tả đô đốc Nguyễn Huệ Thành. Xuất thân trong một gia đình nề nếp gia phong, nhiều đời làm quan, có truyền thống Nho học. Tương truyền, bà đẹp như tiên, mỗi bước bà đi, trên đầu có một đám mây ngũ sắc che, làm cho cả một vùng trở nên nhâm mát. Vì thế, dân gian còn gọi là Bà Chúa Nhâm. Không chỉ có nhan sắc tuyệt trần, bà Nguyễn Thị Hà còn là người con gái đoan trang, nết na, đầy đủ công dung ngôn hạnh, cầm - kỳ - thi - họa.
Tiếng lành đồn xa, sắc đẹp của bà Nguyễn Thị Hà đã bay ra tận kinh thành. Khi đang tuổi cập kê, bà được tiến cung. Chẳng bao lâu được phong tước Minh phi. Thời Hồng Đức, bà Nguyễn Thị Hà đứng thứ hai của hàng Tam phi (dưới Hoàng hậu và Quý phi). Ân sủng đặc biệt của vua Lê Thánh Tông, đã dành riêng cho bà, cho cả họ, cả làng, cả tổng. Nhờ ân sủng của nhà vua đối với Minh phi, mà cả làng Tam Láng được miễn trừ thuế má, phu phen, tạp dịch. Hàng năm được hưởng các bổng lộc khác. Bà Nguyễn Thị Hà đã đem lại sự vẻ vang, niềm tự hào cho gia đình, dòng họ và quê hương. Cũng theo quy định về thể lệ cấp điền lộc thời Hồng Đức thì bà Nguyễn Thị Hà được cấp thế nghiệp thổ 30 mẫu, ruộng vua ban 300 mẫu, bãi trồng dâu 60 mẫu, ruộng tế tự 150 mẫu. Trong suốt thời gian ở cung, Minh phi Nguyễn Thị Hà luôn chung sống hoà thuận với các cung phi, giữ gìn khuôn phép nơi hậu cung, không gây phe cánh … đã góp phần giúp nhà vua yên tâm lo việc nước.
Ngày 30 tháng Giêng, năm Hồng Đức thứ 28 (1497), nhà vua băng hà. Sau khi việc hậu sự cho vua Lê Thánh Tông chu tất, triều đình đã ban lệnh cho mấy trăm cung nữ được ra khỏi cung cấm. Minh phi Nguyễn Thị Hà, vì không có con, nên đã xin triều đình cho hồi hương. Nguyện vọng của bà được phê chuẩn. Những năm tháng sống ở quê, bà đã làm nhiều việc công đức cho quê hương. Bao nhiêu của cải, bổng lộc của đời minh phi, bà đều đưa ra làm tế bần cứu khổ, giúp đỡ người nghèo, xây dựng chùa quán, … Bà thường xuyên tới các chùa trong vùng, để làm công đức như: chùa Lò, chùa Đình, chùa Long Ẩn, chùa Lau, chùa Thiên Nhẫn… Bà mất ngày 18 tháng 12 âm lịch. Theo nguyện vọng của bà, sau khi mất, số ruộng đất và tài sản tư trang của bà được chia hai phần :
- Một phần để cho dòng họ Nguyễn làm hương hỏa.
- Số còn lại cúng vào chùa để dân làng thay phiên nhau cày cấy.
Để tưởng nhớ công lao của Minh phi Nguyễn Thị Hà, triều đình đã cấp tiền cho dân làng xây lăng và lập đền thờ bà ở địa phận của bản thôn để bốn mùa hương khói . Triều đình nhà Lê sắc phong cho bà là “Thánh đế Minh phi Nguyễn thị, Lãng thục, Huy nhu, Diệu ứng, Chiêu cảm, Hiển hựu”, tặng phong là “Từ ý Thánh phi”. Trải qua các triều đại Lê, Nguyễn đều có sắc phong thần cho bà và lệnh cho xã Nam Kim “tòng tiền phụng sự”. Nhân dân vẫn quen gọi bà bằng cái tên dân dã và gần gũi là Bà Chúa Lãng. Trong tâm thức của người dân Nam Hoa xưa (Nam Kim nay) cũng như nhân dân quanh vùng, hình ảnh Bà Chúa Lãng như là một vị Thánh Mẫu lung linh quyền uy nhưng cũng rất từ bi, độ lượng. Hiện nay, ở đền Bà Chúa Lãng còn lưu giữ được một đạo sắc phong thời Khải Định.